1. Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, Tết năm mới hay chỉ đơn giản: Tết) là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam và một số các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc khác. Nguyên nghĩa của chữ “Tết” chính là “tiết”. Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán; “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “đán” là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là “Tiết Nguyên Đán” (Tết Nguyên Đán được người Trung Quốc ngày nay gọi là Xuân tiết, Tân niên hoặc Nông lịch tân niên).
Do cách tính của Âm lịch Việt Nam có khác với Trung Quốc cho nên Tết Nguyên Đán của người Việt Nam không hoàn toàn trùng với Tết của người Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc khác.
Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).
2. Nguồn gốc Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.
Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.
Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng một cho đến hết ngày mồng bảy.
3. Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán
Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn, quan trọng của người Việt Nam từ trước đến nay, hòa cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước phương Đông. Đây là khoảng thời gian được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất và ấm áp nhất của cả một năm.
Mọi người có cơ hội sum họp, đoàn tụ, quây quần bên nhau, cùng nhau tận hưởng những khoảnh khắc tài lộc, náo nức, thiêng liêng, nồng ấm của mùa xuân, của những ngày đầu năm đầy phấn khởi.
Những bộn bề, lo toan của công việc sẽ tạm gác lại, thay vào đó là sự thoải mái, sự thư giãn tâm hồn và hòa mình vào không gian hân hoan của tiết xuân nồng thắm.
Ngày Tết Nguyên Đán là thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, là sự khởi đầu cho những hương sắc tân niên, cây trái đâm chồi nảy lộc, nhà nhà phát tài, sung túc, Thiên – Địa – Nhân hài hòa cùng sự trường tồn vĩnh cửu. Đồng thời, Tết còn là những ngày người Việt ta hướng về cội nguồn, tổ tiên.
Chính vì là một dịp quan trọng cho sự khởi đầu, cho biết bao niềm tin yêu, sự may mắn cùng những mong ước, nguyện cầu chân thành nên ngày Tết Nguyên Đán mang nhiều ý nghĩa nhân văn và sâu xa nhất so với những ngày lễ khác trong năm. Sau đây, mời bạn đọc cùng 10hay tìm hiểu 10 ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán tại đất nước Việt Nam ta:
3. Những ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán 3.1. Tết Nguyên Đán là ngày giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh
Ngày Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, được xem là một ngày tốt đẹp, là dịp giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩ, những mong ước, hành động của mình sẽ được các vị Chư Thần nghe thấy, thấu hiểu và ban cho phước lành. Vì vậy, trong ngày Tết Nguyên Đán, mọi người thường làm việc thiện như tặng quần áo mới, chia sẻ miếng ăn, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn,…
3.3. Tết Nguyên Đán là ngày sum họp, đoàn viên
Tết Nguyên Đán là một dịp nghỉ có lẽ là dài nhất trong năm. Vì vậy, mọi người có thời gian tạm gác công việc chính, về quê thăm gia đình, cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách bôn ba vì miếng cơm manh áo. Những khoảnh khắc sum vầy, đoàn tụ thành viên trong gia đình thật quý báu và hạnh phúc làm cho ngày Tết Nguyên Đán càng thêm ý nghĩa biết dường nào!
3.3. Tết Nguyên Đán là ngày hướng về cội nguồn
Trước khi Tết đến, vào những ngày cuối năm, mọi nhà có tập tục tảo mộ là để tưởng nhớ đến những người đã mất. Sau đó, đến đêm giao thừa, trên bàn thờ của ông bà tổ tiên luôn nghi ngút khói hương thể hiện sự hướng về nguồn cội của thế hệ đi sau dành cho thế hệ đi trước qua hình thức rước ông bà. Trong những ngày Tết, chúng ta thường thấy trên bàn thờ ông bà, tổ tiên luôn đầy ắp bánh mứt, trái cây, mâm xôi, đĩa thịt nói lên được lòng kính yêu, hiếu đạo vốn có của người Việt ta.
3.4. Tết Nguyên Đán là ngày rước tài lộc
Ngày Tết Nguyên Đán được nhiều người quan niệm là ngày ông Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, sự thịnh vượng, sung túc. Vì vậy, đây là dịp để mọi người tranh thủ mở rộng cửa rước tài lộc vào nhà, rước những điều may mắn, tốt đẹp, giàu có nhất từ ông Thần Tài. Nhiều gia đình thường mở cửa suốt ngày để chào đón niềm vui, sự phấn khởi cùng những hy vọng về tiền tài của cải đầy ắp.
3.5. Tết Nguyên Đán là ngày khởi nghiệp cho năm mới
Ngày Tết đánh dấu sự khởi đầu cho cả một năm dài với những cơ hội, thử thách và sự vận hành mới. Nhiều người thường đi xem giờ tốt, ngày lành, tháng tốt để khởi nghiệp, khai trương cho công việc trong năm mới với hy vọng may mắn, thuận lợi, thành công hơn năm cũ. Vì vậy, ngày Tết mang ý nghĩa không kém phần quan trọng cho sự khởi đầu của công việc trong năm mới.
3.6. Tết Nguyên Đán là ngày may mắn
Nhiều người quan niệm rằng những ngày đầu năm thường là những ngày may mắn, tốt đẹp. Sự may mắn ấy hòa quyện trên những cánh hoa mai, hoa đào, trên những chiếc lá non xanh, trên những mâm ngũ quả. Vì vậy, nhiều người thường ngắt một vài cành hoa tươi mang về với hy vọng thu thập được sự may mắn của mùa xuân.
3.7. Tết Nguyên Đán là ngày cầu duyên
Trong tâm tưởng của nhiều người, ngày Tết cũng là ngày ông Tơ bà Nguyệt, ông Mai bà Mối se duyên cho những người còn đang độc thân, dang dở trong chuyện tình cảm. Hòa trong không khí sum họp, vui tươi của mùa xuân là niềm hân hoan, hạnh phúc lứa đôi của những mối lương duyên cầu được, ước thấy. Chính vì ngày Tết thường là ngày cầu duyên, nên duyên và đẹp đôi nên ở tại nhiều nơi, chúng ta không những được nghe bao câu hát xuân nhộn nhịp mà còn rất phấn khích bởi những bài nhạc đám cưới náo nức, tưng bừng rộn vang.
3.8. Tết Nguyên Đán là ngày của sự đổi mới, lạc quan và hy vọng
Người Việt Nam ta tin rằng ngày Tết Nguyên Đán khởi đầu cho một năm mới, là ngày của sự đổi mới với những niềm tin mới, tạm biệt những quá khứ của năm cũ. Vì vậy, mọi người thường tân trang lại nhà cửa cho thật sạch đẹp, ngăn nắp, mới mẻ để chào đón cái mới của năm mới. Những gì không may mắn, không thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đi để đón nhận những điều lạc quan, đầy hy vọng, đầy đẹp tươi trong năm mới đến.
3.9. Tết Nguyên Đán là ngày để yêu thương, hòa thuận
Ngày Tết Nguyên Đán là cơ hội để mọi người thể hiện sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau, gửi đến nhau những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất. Hiển nhiên, vào những ngày này, người lớn nên hạn chế la rầy trẻ em, hạn chế cãi vả nhau để tạo nên một không gian thuận hòa, gần gũi, nồng ấm trọn vẹn nhất. Những hiềm khích, mâu thuẫn nên tạm gác lại để thay bằng những lời thân thương, ấm lòng nhau nhằm tạo cho nhau sự thiện cảm, chan hòa cho cả một năm mới đến.
3.10. Tết Nguyên Đán là ngày của sự tạ ơn
Người Việt Nam ta thường chọn ngày Tết làm ngày của sự tạ ơn. Hòa trong không gian sum vầy ấm cúng, hân hoan, con cái tạ ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ, cha mẹ tạ ơn tổ tiên qua đĩa thịt, mâm ngũ quả, nhân viên tạ ơn cấp trên qua những lời chúc chân thành, kính trọng, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng Tết,…
Trên đây là 10 ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán rất đỗi nhân văn và sâu sắc của người Việt Nam. Tết Nguyên Đán vẫn là một sinh hoạt văn hóa vừa lưu giữ được những giá trị truyền thống, vừa thích nghi với nhịp sống hiện đại. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ, phát huy ngày Tết truyền thống này để Tết Nguyên Đán mãi là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Các tin khác